Luật Tài Sản (Bài 5)

Luật Sư tại California và Washington. Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo Di Chúc và Tín Mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080. website: www.lylylaw.com
Trong số báo tuần trước chúng tôi đã trình bày trường hợp một người qua đời mà không lập cả di chúc lẫn tín mục – còn được gọi là “chết không trối trăn” (intestate) – và điều luật của tiểu bang “intestacy laws” để quản trị và phân phối tài sản của những người chết trong trường hợp này. Hôm nay chúng tôi sẽ so sánh những điều hơn thiệt của cả ba loại di chúc, tín mục và không di chúc lẫn tín mục.
Trường hợp đầu tiên là bị mất năng lực (at incapacity) – theo luật có nghĩa là mất khả năng không tự quản trị lấy được sức khỏe và tài chánh của chính mình (thí dụ như bị hôn mê dài hạn) – mà không có di chúc hay tín mục thì tòa án sẽ giữ quyền chỉ định người giám sát việc chăm sóc và điều hành tài sản của nạn nhân. Nhân vật được chỉ định này phải đóng tiền thế chân (dù rằng người được chỉ định chính là hôn phối của đương sự), phải giữ hồ sơ sổ sách kế toán chi tiết và báo cáo cho tòa rồi tòa án sẽ duyệt xét cùng chấp thuận mọi khoản chi tiêu và kiểm soát tất cả vấn đề tài chánh của nạn nhân. Nếu nạn nhân có di chúc thì cũng bị tòa kiểm soát giống như trường hợp trên. Ngược lại nếu có tín mục thì tòa không có quyền nhúng tay vào. Chính tín viên (trustee) kế thừa do người ấy chỉ định trong tín mục (có thể là một cá nhân, một ngân hàng hay một công ty tín dụng) sẽ có quyền điều hành trọn vẹn tất cả vấn đề tài chánh đã được ấn định trong văn bản tín mục trước khi lâm bệnh hay qua đời. Trường hợp thứ hai là lúc chết nếu không có tín mục – dù có di chúc hay không – vẫn phải qua thủ tục kiểm sát/thanh toán (probate) do tòa án nắm quyền. Tòa sẽ ra lệnh thanh toán hết nợ nần của người chết rồi phần còn lại mới chia cho những thân nhân. Nếu có di chúc thì phần này sẽ chia theo ý muốn của kẻ quá cố. Nếu không có di chúc thì tòa sẽ chia cho thân nhân theo thứ tự luật định mà thông thường không phải ý muốn của người này. Nếu nạn nhân chết tứ cố vô thân (tòa không tìm ra được thân nhân) thì đương nhiên tài sản của người bạc mệnh bị sung vào công quỹ của tiểu bang.
Về án phí cùng tất cả các chi phí khác liên quan đến việc thi hành bản án, nếu qua đời mà không di chúc thì thông thường tốn vào khoảng từ 8% tới 12% giá trị của tài sản đó. Nếu bị mất năng lực thì tốn hơn nhiều không thể ước lượng được. Còn án phí trong trường hợp có di chúc cũng tốn như vậy (từ 8% tới 12% giá trị của tài sản) và sẽ phải trả nhiều hơn nữa nếu có tranh chấp giữa các thân nhân còn lại. Với tín mục thì khác hẳn, kể cả trường hợp qua đời lẫn mất năng lực sẽ không tốn kém gì hết nếu không phải đóng thuế tài sản. Về thời gian, nếu có di chúc hay không cũng kéo dài ít nhất từ 9 tháng tới hai năm từ khi chết đến lúc tài sản được chia đến tay người thừa hưởng. Trường hợp mất năng lực thì tòa sẽ nhúng vào nội vụ cho đến khi phục hồi được sức khỏe hoặc tới lúc chết. Trong suốt thời gian đó không ai có quyền đụng chạm đến tài sản của đương sự, ngược lại nếu có tín mục thì dù trong trường hợp chết hay mất năng lực việc chuyển nhượng cho thừa kế chỉ mất vài tuần lễ mà không bị chậm trễ vì bất cứ lý do gì.
Như vậy lợi điểm của tín mục thật rõ ràng, người lập tín mục có quyền nắm giữ tối đa tài sản của mình kể cả lúc lâm trọng bệnh cho tới lúc qua đời, tài sản của người ấy được đặt toàn quyền trong văn bản tín mục và có thể thay đổi hay hủy bỏ bất cứ lúc nào. Với di chúc thì chỉ có lợi điểm là tài sản được chia rõ ràng dưới pháp lý theo ý nguyện để lại trong di chúc ấy, trong khi không có di chúc lẫn tín mục thì tòa án hoàn toàn chi phối việc kiểm sát/thanh toán theo luật của tiểu bang. Hơn nữa lập tín mục còn có lợi điểm nữa là việc để lại gia tài hoàn toàn kín đáo, riêng tư vì tín mục không phải là một văn kiện công khố (public record), thân nhân của kẻ quá cố có quyền thu xếp tất cả vấn đề tài sản trong vòng gia đình. Ngược lại nếu chết dù có di chúc hay không, thủ tục probate của tòa là công cộng, ai ai cũng có quyền biết nên sẽ không tránh được những khiếu nại phiền phức của những kẻ khai có liên hệ nhưng không thuận theo ý nguyện của người quá cố, hoặc bị các hội đoàn có dính dấp đến xin xỏ hoặc man khai bừa bãi. Thông thường những người có tài sản đáng kể nên hội ý với một luật sư chuyên môn và nên lập cà tín mục lẫn di chúc.
Chúng tôi xin kết thúc phần tìm hiểu luật tài sản và tuần tới sẽ đề cập đến luật lệ về thuế má. Một ý tưởng sau cùng, tài sản dù lớn hay nhỏ cũng do công khó một đời người, do đó quí vị độc giả nên lưu tâm ngay đến việc lập cả di chúc lẫn tín mục lúc còn khỏe mạnh để phòng hờ những bất trắc trong cuộc đời phù du này mà bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra biến cố. Ít ra những lo xa ấy cũng sẽ đem lại cho quí vị yên ổn về tinh thần vì đã tiên liệu được trước được tương lai mà thu xếp mọi việc theo đúng ý muốn của mình mai mốt khi qua đời.
Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) để giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi, và không thể coi như sự cố vấn của một luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên hệ đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708, Điện thoại: (714) 531-7080, website: lylylaw.com.
Cover photo by https://pixabay.com/illustrations/usa-court-right-paragraphs-hammer-2018855/